Bạn đã xem
Diễn biến phức tạp của dịch cúm 2025 mới nhất hôm nay
Cúm mùa là bệnh hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, với khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Việc theo dõi sát sao diễn biến dịch cúm hàng năm sẽ giúp người dân chủ động phòng ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe bản thân. Theo dõi các thông tin dưới đây để có cập nhật mới nhất về diễn biến dịch cúm 2025 hiện nay.
1. Tổng quan về dịch cúm 2025
Theo thông tin từ Bộ Y Tế, từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm trong đó không có ca nào tử vong. Con số này giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024, khi có tới 34.442 ca mắc, tương đương mức giảm 97%. Các chủng virus cúm phổ biến trong năm nay bao gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Đáng chú ý, chưa có ghi nhận về chủng virus đột biến nào có khả năng làm bùng phát dịch trong năm nay.
Trên thế giới, dịch cúm từ năm 2024 đến nay có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều chủng virus mới. Nhật Bản ghi nhận đợt bùng phát dịch cúm nghiêm trọng khi thống kê từ tháng 9 năm 2024 đến cuối tháng 1 năm 2025, số ca mắc cúm đã lên tới con số 9,5 triệu ca. Đặc biệt, chỉ trong tuần cuối năm 2024, số ca mắc bệnh cúm đạt hơn 317.000.
Tình hình dịch cúm tại Việt Nam kể từ đầu năm 2025
So với thế giới, tình hình dịch cúm tại Việt Nam hiện vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn cần chú ý vì nguy cơ lây lan, bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn. Nếu người dân chủ quan trong công tác phòng ngừa, nguy cơ về một dịch bệnh lớn như Covid 19 hay H5N1 (2007) sẽ có thể tái diễn.
2. Diễn biến dịch cúm 2025
Mặc dù số ca mắc cúm giảm đáng kể so với năm trước, song một số địa phương vẫn ghi nhận sự gia tăng cục bộ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Khi nhu cầu đi lại và vui chơi giải trí gia tăng trong thời điểm thời tiết chuyển mùa thất thường, các ca mắc cúm đã gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại miền Bắc với khí hậu gió mùa.
Hiện nay, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 ca mắc bệnh cúm trong đó có 1 ca bệnh nghiêm trọng phải sử dụng đến hệ thống ECMO. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng ghi nhận số bệnh nhân cúm A tăng rõ rệt trong đầu tháng 2025. Trung bình mỗi tuần sẽ tiếp nhận 10 bệnh nhân mắc bệnh đến khám.
Số ca mắc bệnh cúm đang gia tăng trong khoảng đầu năm 2025
3. Các ca mắc bệnh cúm nặng
Mặc dù phần lớn các ca mắc bệnh cúm đều có triệu chứng nhẹ và khả năng tự phục hồi, song cũng ghi nhận các ca bệnh nặng với biến chứng nghiêm trọng. Các ca bệnh này chủ yếu là những người cao tuổi, đã có bệnh mãn tính hoặc hệ miễn dịch suy giảm.
Tính đến thời điểm hiện tại, tại Hà Nội đã có 1 ca bệnh biến chứng nặng và cần can thiệp ECMO tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Các tỉnh thành khác chưa ghi nhận có ca bệnh nặng nhưng cũng không được lơ là cảnh giác.
Đã ghi nhận 1 ca mắc cúm diễn biến nặng cần đến can thiệp ECMO tại Hà Nội
4. Chủ động phòng chống dịch cúm 2025
Dịch cúm mùa 2025 đang trong thời điểm khó lường với các ca mắc gia tăng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y Tế cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã khuyến cáo người dân chủ động phòng chống dịch. Mỗi người dân cũng cần tự mình thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh để đảm bảo sức khỏe bản thân.
Theo CDC, tiêm vắc xin cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất khi giúp giảm tới 40 - 60% nguy cơ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Ngoài ra, Bộ Y Tế cũng khuyến cáo người dân duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch. Khi có triệu chứng cúm, nên nghỉ ngơi tại nhà, tránh lây lan cho người khác và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu trở nặng.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng
Việc giảm đáng kể số ca mắc cúm trong năm 2025 cho thấy hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch và ý thức phòng bệnh của người dân. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp này để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.