Bạn đã xem
Các cách phòng chống dịch cúm mùa hiệu quả theo khuyến nghị của bộ Y Tế
Các cách phòng chống dịch cúm mùa hiệu quả theo khuyến nghị của bộ Y Tế
Cúm mùa là căn bệnh phổ biến về đường hô hấp do virus cúm chủng A và B gây ra. Người mắc bệnh cúm thường có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau nhức mệt mỏi toàn thân. Tuy không phải căn bệnh nặng nhưng những biến chứng có thể nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.
Với tình hình dịch cúm mùa hàng năm đều diễn biến thất thường, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng cần thiết để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong mùa dịch cúm 2025, bộ Y Tế đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả dưới đây.
1. Tiêm phòng vắc xin cúm mùa
Bệnh cúm mùa chưa có thuốc đặc trị chuyên dụng nên cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc xin cúm. Tiêm vắc xin cúm cần được thực hiện hàng năm để có thể bảo vệ cơ thể trước các chủng virus mới không ngừng biến đổi. Khi tiêm vắc xin cúm, bạn cần chú ý các thông tin sau.
Có nên tiêm vắc xin cúm mùa không?
1.1. Thời gian tiêm vắc xin cúm mùa
Từ tháng 9 đến tháng 11, đây là thời điểm thích hợp nhất để phòng ngừa dịch cúm mùa đông. Sau khoảng 2 tuần kể từ thời gian tiêm, cơ thể sẽ tạo hệ miễn dịch đầy đủ và có thể bảo vệ hiệu quả trong 6 - 12 tháng.
1.2. Đối tượng tiêm vắc xin cúm mùa
Ưu tiên đối tượng là người già (trên 65 tuổi), trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch, bệnh phổi. Chống chỉ định tiêm với trẻ dưới 6 tháng tuổi, người có tiền sử dị ứng nặng với vắc xin cúm hoặc thành phần của vắc xin cúm và người đang bị sốt cao, có bệnh cấp tính.
1.3. Tiêm vắc xin cúm mùa ở đâu?
Bạn có thể tiêm vắc xin tại các bệnh viện lớn, các trung tâm kiểm soát bệnh tật tại thành phố hoặc các phòng khám, trung tâm tiêm chủng như VNVC, Trung tâm Y tế dự phòng. Bạn cần đảm bảo đó là cơ sở y tế uy tín và được cấp phép tiêm chủng.
Người dân có thể tiêm vắc xin cúm mùa tại cơ sở y tế gần nhất
1.4. Lưu ý khi tiêm vắc xin cúm
Trước khi tiêm, bạn cần khai báo chính xác tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh, tránh uống rượu bia trước khi tiêm. Sau khi tiêm, hãy ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng cơ thể. Bạn có thể gặp các tác dụng phụ như sốt nhẹ, sưng đỏ tại chỗ tiêm hay mệt mỏi. Tuy nhiên nếu cơ thể có phản ứng dị ứng như khó thở, nổi mề đay, chóng mặt thì bạn cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức.
2. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Bên cạnh việc tiêm vắc xin thì giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sẽ giúp phòng chống dịch cúm mùa hiệu quả. Bởi virus cúm có thể tồn tại trong không khí, qua đường nước bọt của người bệnh từ 3 - 4 tiếng và bám trên bề mặt đồ đạc từ 1 - 2 ngày nên việc thường xuyên vệ sinh sẽ giúp hạn chế lây nhiễm. Cụ thể:
-
Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn giúp loại bỏ virus bám trên tay, hạn chế lây lan qua tiếp xúc. Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy rồi vứt bỏ đúng nơi quy định. Đeo khẩu trang ở nơi đông người, đặc biệt khi có dấu hiệu mắc bệnh. Ngoài ra, bạn nên hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng vì virus có thể xâm nhập qua niêm mạc.
Thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang để phòng ngừa mắc bệnh cúm
-
Giữ vệ sinh môi trường sống: Cần thường xuyên lau dọn nhà cửa, đặc biệt là các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn phím, điện thoại, bàn ghế bằng dung dịch khử trùng. Đảm bảo phòng ở có đủ ánh sáng và lưu thông không khí bằng cách mở cửa sổ, sử dụng quạt hoặc máy lọc không khí.
Với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc người bệnh, bạn nên vệ sinh thêm đồ dùng cá nhân, giặt giũ chăn màn, quần áo và đặc biệt là không dùng chung vật dụng cá nhân. Nếu có thành viên mắc cúm, bạn nên cách ly và khử khuẩn khu vực sinh hoạt để tránh lây lan.
3. Tăng cường sức khoẻ và hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể chống lại virus cúm mùa hiệu quả hơn. Để có hệ miễn dịch tốt, bạn nên:
-
Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin C, D, kẽm và các chất chống oxy hóa. Các chất này thường có trong rau xanh, trái cây, cá hồi, trứng, các loại hạt giúp tăng cường đề kháng.
-
Uống đủ nước, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên, hạn chế căng thẳng, lo âu cũng như làm việc quá sức.
-
Có thể sử dụng thêm các sản phẩm chức năng, bổ sung vitamin và giúp tăng cường sức đề kháng như vitamin C, D, kẽm, các vitamin nhóm B hay men vi sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng sản phẩm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tăng cường hệ miễn dịch cơ thể để đối phó với dịch bệnh cúm mùa 2025
4. Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh
Trong mùa dịch cúm hiện nay, bạn cần hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh và có dấu hiệu bị bệnh, hạn chế đến nơi đông người nếu không cần thiết. Trước cả khi cơ thể có những triệu chứng nhiễm bệnh rõ rệt, virus cúm cũng đã có thể lây lan qua con đường tiếp xúc trực tiếp hay giao tiếp. Chính vì vậy, bạn nên thường xuyên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn (trên 1m) khi trò chuyện với người khác.
Cúm mùa là bệnh dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả nếu thực hiện đúng các khuyến nghị từ Bộ Y Tế. Tiêm phòng vắc xin, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh là những biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.