Bạn đã xem
Những điều bạn cần biết về dịch cúm mùa
Cúm mùa là căn bệnh phổ biến mà mọi người thường mắc phải mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi trời trở lạnh như đầu đông, đầu xuân. Đây không phải căn bệnh quá nguy hiểm nhưng sẽ để lại biến chứng nghiêm trọng nếu người mắc bệnh không điều trị triệt để. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết các thông tin chi tiết về căn bệnh này nhé.
1. Bệnh cúm mùa là gì?
Cúm là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus. Virus tấn công vào mũi, phổi khiến cho hô hấp của người bệnh gặp khó khăn, nếu chuyển nặng có thể dẫn tới tử vong hoặc nhiều biến chứng khác. Căn bệnh này thường lan rộng khi thời tiết vào mùa đông hay sang xuân nên được gọi là cúm mùa. Bên cạnh dịch cúm mùa đông, bạn vẫn có thể bị mắc bệnh cúm vào mùa hè.
2. Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa
Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa chính là bởi virus cúm (Influenza) thuộc họ Orthomyxoviridae. Loại virus Influenza này gồm 4 chủng là A, B, C, D trong đó chỉ có chủng A và B là gây bệnh theo mùa. Cụ thể:
-
Influenza A - Cúm A: Có khả năng lây lan, đột biến nhanh chóng nên thường là nguyên nhân gây ra các đại dịch lớn như A/H1N1, A/H5N1,...
-
Influenza B - Cúm B: Có mức độ lây lan kém hơn cúm A và biến chứng cũng nhẹ hơn, tồn tại ở hai dòng là B/Yamagata và B/Victoria.
Bệnh cúm mùa do virus cúm Influenza chủng A và B gây ra
3. Các dấu hiệu nhận biết mắc bệnh cúm
Các dấu hiệu ban đầu khi mắc bệnh cúm có nhiều điểm tương đồng với khi bạn bị cảm lạnh. Dễ thấy nhất là các triệu chứng bao gồm:
-
Sốt cao trên 37 độ.
-
Ho khan, ho có đờm.
-
Đau họng.
-
Nghẹt mũi và chảy nước mũi.
-
Đau nhức đầu.
Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy đau cơ, đau mắt, mệt mỏi, ớn lạnh sống lưng hay buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em). Các triệu chứng thường kéo dài trong 5 - 7 ngày tuỳ mức độ nặng nhẹ. Trong trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch suy giảm hoặc các bệnh nền khác thì triệu chứng có thể diễn biến nặng hơn.
4. Bệnh cúm mùa có lây không?
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan qua nhiều con đường, chủ yếu là đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, virus cúm sẽ bị phát tán vào không khí thông qua các giọt nước bọt bắn ra. Người bình thường khi hít phải không khí chứa virus có thể bị nhiễm bệnh nhanh chóng.
Bên cạnh lây lan qua đường không khí như trên, bạn cũng có thể bị mắc bệnh thông qua tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng chứa virus cúm. Virus cúm có thể tồn tại trên các bề mặt vật liệu trong thời gian từ 1 - 2 ngày và thường phát tán trước cả khi người bệnh có những triệu chứng rõ rệt.
Bệnh cúm mùa có thể lây lan qua đường hô hấp
5. Biến chứng của bệnh cúm mùa
Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường không nặng và cơ thể có thể tự chữa khỏi. Tuy nhiên, đối với những người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch và mắc các bệnh nền, cúm mùa có khả năng dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng bao gồm các bệnh viêm đường hô hấp như:
-
Viêm phổi
-
Viêm phế quản
-
Viêm tai giữa
-
Viêm xoang
-
Viêm cơ tim
-
Suy hô hấp
Người già có thể gặp các biến chứng như suy tím, đái tháo đường hay viêm nhiễm đường tiết niệu trong khi trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh hen xuyễn. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, cúm mùa trở nặng có thể gây ra một vài bệnh lý cho thai nhi trong thời gian đầu hoặc nghiêm trọng hơn là sảy thai.
6. Cách điều trị bệnh cúm mùa
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm mùa mà thay vào đó, người bệnh sẽ tập trung làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là các biện pháp hữu hiệu cần thực hiện:
-
Nghỉ ngơi đầy đủ bằng cách ngủ đủ giấc, hạn chế vận động quá sức để cơ thể có năng lượng chống lại virus.
-
Tránh để cơ thể mất nước bằng cách uống nước thường xuyên, bổ sung nước điện giải và hạn chế các loại đồ uống có cồn, cà phê. Khi bạn sốt cao, đổ mổ hôi và sổ mũi, hãy uống các loại nước ấm như trà gừng, súp nóng để duy trì độ ẩm cho niêm mạc, giảm đau rát cổ và hỗ trợ phục hồi.
Cần tích cực bổ sung nước khi cơ thể sốt cao, mất nước do mắc bệnh cúm
-
Sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen đúng theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt lưu ý không sử dụng thuốc giảm đau có chứa Aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi.
-
Dùng các thuốc kháng virus như Oseltamivir (Tamiflu), Zanamivir (Relenza), Peramivir (Rapivab) trong trường hợp cần giảm thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Những loại thuốc này chỉ định dành cho người có nguy cơ bị biến chứng cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ có thai và người béo phí nặng.
Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế trong trường hợp điều trị theo các biện pháp trên mà bệnh không thuyên giảm. Nếu là người có bệnh nền, nguy cơ biến chứng cao thì nên đi khám sớm để nhận điều trị kịp thời.
7. Cách phòng ngừa bệnh cúm mùa
Bệnh cúm mùa có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, tiêm vắc xin, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh và giữ vệ sinh cá nhân, không gian sống sạch sẽ.
-
Tiêm vắc xin cúm hàng năm: Đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ cơ thể trước virus cúm.
Tiêm vắc xin cúm để ngăn ngừa bệnh hiệu quả
-
Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt công cộng.
-
Giữ vệ sinh môi trường sống: Vệ sinh và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, điện thoại, bàn phím.
-
Đeo khẩu trang: Khi ở nơi đông người hoặc tiếp xúc với người bệnh.
-
Tránh tiếp xúc gần: Hạn chế tiếp xúc với người bị cúm hoặc có triệu chứng cúm mùa.
8. Có nên tiêm vắc xin cúm mùa không?
Tiêm vắc xin cúm mùa là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh, ngăn ngừa lây lan trong cộng động và giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Do virus cúm liên tục biến đổi nên mỗi năm, bạn cần tiêm lại để đảm bảo cơ thể có miễn dịch với các chủng virus mới.
Thời điểm tốt nhất để tiêm là trước mùa dịch cúm, thường vào tháng 9 - 11 ở Việt Nam. Sau tiêm khoảng 2 tuần, cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ và hiệu quả duy trì trong 6 - 12 tháng. Người thuộc nhóm nguy cơ biến chứng cao như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền, người mắc bệnh lý mãn tính nên ưu tiên tiêm vắc xin.
Hiện có nhiều loại vắc xin cúm như Vaxigrip Tetra, Influvac Tetra, GC Flu Quadrivalent… phù hợp cho từng độ tuổi. Để đảm bảo an toàn, nên tiêm vắc xin tại cơ sở y tế uy tín theo chỉ định của bác sĩ.
Cần tiêm vắc xin cúm tại các cơ sở y tế uy tín
9. Những trường hợp cần lưu ý khi bị cúm mùa
Cúm mùa có thể gây biến chứng nguy hiểm cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Những người này cần theo dõi sát triệu chứng và đi khám ngay nếu có dấu hiệu nặng.
-
Người già (trên 65 tuổi): Hệ miễn dịch suy giảm, dễ bị viêm phổi, suy hô hấp, làm nặng thêm các bệnh tim mạch, tiểu đường. Nếu sốt cao kéo dài, có triệu chứng khó thở, cần nhập viện sớm.
-
Phụ nữ mang thai: Cúm có thể gây sốt cao, ảnh hưởng đến thai nhi, tăng nguy cơ sinh non, sảy thai. Khi mắc cúm, thai phụ nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc an toàn theo hướng dẫn bác sĩ và khám thai 2 tuần/ 1 lần trong 2 tháng đầu.
-
Trẻ nhỏ (đặc biệt dưới 5 tuổi): Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị viêm phổi, viêm tai giữa, co giật do sốt cao nên cần theo dõi kỹ và tránh tự ý dùng thuốc.
-
Người có bệnh mãn tính (tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi…): Cúm có thể làm trầm trọng hơn bệnh nền, gây suy hô hấp, suy tim. Nếu triệu chứng nặng, nên đi khám ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Người có thai và người mắc bệnh mãn tính cần đặc biệt chú ý khi mắc bệnh cúm
Tất cả thông tin cần biết về dịch cúm mùa, từ nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan cũng như cách chữa trị, phòng ngừa đã được chia sẻ chi tiết qua bài viết trên đây. Bạn có thể ghi nhớ các thông tin quan trọng để biết cách bảo vệ cơ thể, sức khoẻ trước mùa dịch cúm hiện nay.